Các loại vắc xin cần tiêm phòng trước và trong khi mang thai
Nếu bạn đang chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai, bên cạnh việc kiểm tra sức khoẻ và bổ sung dinh dưỡng, còn một điều cực kỳ quan trọng mà bạn cần phải thực hiện, đó chính là TIÊM PHÒNG.
Tiêm phòng trước và trong khi mang thai giúp bảo vệ cả mẹ và thai nhi. (Nguồn: https://www.cdc.gov/vaccines/parents)
Bài viết này dựa trên sự tham khảo và tổng hợp thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), Bộ Y tế Việt Nam. Mình liệt kê tất cả nguồn tham khảo ở phía cuối bài để các bạn độc giả tiện nghiên cứu và đối chiếu nếu cần thiết.
Nội dung bài viết
Tiêm phòng là gì?
Tiêm phòng là một cách đơn giản và hiệu quả để bảo vệ bạn và thai nhi khỏi một số bệnh nhiễm trùng.
Tiêm phòng giúp chuẩn bị hệ thống miễn dịch để chống lại nhiễm trùng trong tương lai. Vắc xin chứa một lượng nhỏ kháng nguyên, là vi rút hoặc vi khuẩn đã chết (bất hoạt) hoặc yếu đi (giảm động lực). Hệ thống miễn dịch sẽ tập phản ứng với những kháng nguyên này, giúp cho cơ thể bạn được chuẩn bị tốt hơn để chống lại vi rút hoặc vi khuẩn nếu tiếp xúc với nó trong tương lai.
Hầu hết các loại vắc xin thuộc dạng thuốc tiêm, nhưng một số được dùng dưới dạng thuốc nhỏ miệng.
Tại sao cần phải tiêm phòng trước và trong khi mang thai?
Khi mang thai, em bé trong bụng được cơ thể bạn coi là yếu tố ngoại lai. Khi đó, hệ thống miễn dịch sẽ bị ức chế để thích ứng với sự xuất hiện của em bé. Sự thay đổi của hoóc-môn, như estrogen và progesterone, cũng làm cho hệ thống miễn dịch nhạy cảm hơn. Vì vây, khi mang thai, bạn sẽ dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng hơn, điều này có thể gây hại cho bạn và thai nhi trong bụng.
Do đó, việc tiêm phòng là cực kỳ quan trọng, không những giúp bạn và thai nhi an toàn trước các bệnh nhiễm trùng, mà còn tạo được miễn dịch cho em bé của bạn đến tận những tháng đầu đời sau sinh đấy!
Những loại vắc xin nào cần tiêm phòng trước khi mang thai?
Do một số vắc xin không được khuyến cáo tiêm trong thời kỳ mang thai, nên nếu bạn đang có kế hoạch thả bầu thì đây là những loại vắc xin cần tiêm phòng trước khi mang thai được khuyến nghị nhé:
Rubella
Nhiễm rubella khi mang thai có thể gây ra Hội chứng rubella bẩm sinh (CRS), dẫn đến dị tật bẩm sinh nghiêm trọng và các vấn đề về phát triển thần kinh. Vì vậy, nếu bạn đang có kế hoạch mang thai, hãy tiêm phòng rubella ngay nhé. Theo CDC Mỹ, hiện tại vắc xin ngừa rubella tốt nhất là MMR (vắc xin sởi- quai bị-rubella). Nếu trong độ tuổi trưởng thành, bạn đã từng tiêm MMR rồi thì không cần thiết tiêm mũi thứ 2, trừ khi bạn ở trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao như nhân viên y tế, đi du lịch quốc tế. Điều đó cũng có nghĩa là, nếu ở lần mang thai trước bạn đã tiêm vắc xin rubella rồi, thì các lần mang thai tiếp theo, bạn sẽ không cần tiêm nữa.
Lưu ý, bạn nên đợi ít nhất 1 tháng sau khi tiêm phòng rubella rồi mới thả bầu nhé!
Vậy nếu chẳng may bạn có bầu khi chưa đợi đủ 1 tháng sau tiêm, hoặc tình cờ tiêm vắc xin sởi- quai bị-rubella MMR khi không biết mình đang mang thai thì sao? Đừng lo lắng bạn nhé! Theo báo cáo của WHO, việc tiêm vắc xin MMR không được coi là chỉ định chấm dứt thai kỳ vì không có bằng chứng gây hại cho thai nhi sau khi tiêm vắc xin MMR. Nếu bạn vẫn rất lo lắng, mình để link bài báo cáo cụ thể của WHO ở phía cuối bài để các bạn độc giả có thể nghiên cứu nhé!
Thủy đậu (trái rạ)
Nhiễm thủy đậu khi mang thai có thể gây bệnh nặng cho cả bạn và thai nhi. Theo CDC Mỹ, nếu bạn chưa từng mắc thủy đậu, hoặc chưa từng tiêm phòng thủy đậu, hãy thực hiện tiêm 2 liều vắc xin cách nhau ít nhất 28 ngày để được miễn dịch hoàn toàn. Như vậy, nếu ở lần mang thai trước bạn đã tiêm vắc xin thuỷ đậu rồi, thì các lần mang thai tiếp theo, bạn không cần tiêm nữa nhé.
Cũng giống như vắc xin rubella, bạn nên đợi ít nhất 1 tháng sau khi tiêm phòng thủy đậu rồi mới bắt đầu mang thai nhé!
Nếu chẳng may bạn có bầu khi chưa đợi đủ 1 tháng sau tiêm, hoặc tình cờ tiêm vắc xin thuỷ đậu khi đang mang bầu thì cũng đừng lo lắng nhé. Trong báo cáo theo dõi trong suốt 17 năm của WHO, không có trường hợp nào về hội chứng thuỷ đậu bẩm sinh hoặc dị tật bẩm sinh đối với trẻ được sinh ra từ các bà mẹ được tiêm vắc xin thuỷ đậu khi mang thai. Mình cũng để link bài báo cáo của WHO ở cuối bài để các bạn độc giả có thể nghiên cứu nhé!
Viêm gan B
Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam là một trong các nước thuộc khu vực có tỉ lệ lưu hành virus viêm gan B cao nhất thế giới (10 – 20%). Viêm gan B là một bệnh nhiễm vi-rút có thể gây tổn thương gan lâu dài.
Trên thực tế, chúng ta có thể đã được tiêm viêm gan B từ nhỏ. Tuy nhiên, theo thời gian, lượng kháng thể sẽ giảm dần. Vì vậy, nếu bạn đang có kế hoạch mang thai, hãy thực hiện xét nghiệm kháng thể virus viêm gan B (gọi là Anti HBs) để xem lượng kháng thể của mình có đạt mức an toàn không, và tư vấn bác sỹ về việc có cần tiêm phòng bổ sung hay không nhé.
Nếu bạn e ngại việc bị lấy máu nên không xét nghiệm kháng thể mà thực hiện tiêm luôn thì cũng không sao cả. Nhưng dù sao, khi mang thai và chuẩn bị sinh con, bác sĩ cũng sẽ phải lấy máu xét nghiệm viêm gan B cho bạn đấy (vì nước mình có tỷ lệ lưu hành virus viêm gan B thuộc nhóm cao nhất thế giới). Vì vậy, tốt nhất hãy thực hiện xét nghiệm Anti HBs trước khi tiêm, có thể bạn vẫn đủ lượng kháng thể mà không cần tiêm bổ sung. Đồng thời kết quả xét nghiệm Anti HBs cũng có thể được sử dụng sau này khi kiểm tra sức khoẻ và làm hồ sơ sinh mà bạn không cần phải xét nghiệm viêm gan B lại.
CDC Mỹ và Bộ Y tế Việt Nam đều khuyến nghị vắc xin viêm gan B có thể được tiêm phòng trước khi mang thai hoặc khi đang mang thai mà không gây ảnh hưởng đến thai nhi cũng như sức khỏe của mẹ bầu. Vì vậy, bạn có thể thoải mái thả bầu sau khi tiêm vắc xin viêm gan B nhé!
Phế cầu khuẩn
Vắc xin phế cầu khuẩn được khuyến nghị cho những người hút thuốc và những người mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, phổi hoặc thận mãn tính. Nếu bạn thuộc một trong những đối tượng trên và đang có kế hoạch mang thai, hãy xin tư vấn bác sĩ về việc bạn có cần tiêm phòng bệnh phế cầu khuẩn hay không nhé.
Những loại vắc xin nào cần tiêm trong thời kỳ mang thai?
Vắc xin cúm, bạch hầu-ho gà-uốn ván là những vắc xin được khuyến cáo tiêm thường quy trong thai kỳ.
Cúm
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng có nguy cơ cao bị biến chứng do cúm. Vắc xin sẽ giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm cũng như những biến chứng nghiêm trọng do cúm gây ra.
Bạn có thể tiêm phòng cúm bất kỳ lúc nào, trước, trong hoặc sau khi mang thai, và nên tiêm nhắc lại hàng năm sẽ giúp bảo vệ bạn khỏi các chủng vi-rút mới. Tiêm phòng vắc xin cúm trong khi mang thai cũng sẽ giúp tạo miễn dịch bảo vệ em bé trong 6 tháng đầu sau sinh đấy!
Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván
Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua vết cắt trên da. Độc tố do những vi khuẩn này tạo ra gây ra các triệu chứng về hệ thần kinh như co thắt cơ và co giật.
Vi khuẩn bạch hầu và ho gà lây lan qua ho và hắt hơi, gây ra các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp. Theo thống kê của CDC Mỹ, có khoảng 7 trên 10 ca tử vong do ho gà là ở trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi. Những em bé này còn quá nhỏ để có thể tiêm phòng ho gà. Rất nhiều em bé mắc ho gà nhưng không hề ho nên rất khó nhận biết, có thể khiến bé tím tái và ngừng thở không kiểm soát.
Do vậy, cách duy nhất để bảo vệ em bé của bạn khỏi những nguy cơ kể trên là hãy tiêm phòng khi đang mang thai bé. Khi đó, cơ thể bạn sẽ tạo ra các kháng thể bảo vệ và truyền một số kháng thể này cho em bé trước khi sinh. Những kháng thể này sẽ giúp bảo vệ em bé trong vài tháng đầu đời sau sinh. WHO và CDC Mỹ khuyến nghị nên tiêm vắc xin Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván sớm nhất có thể trong khoảng thời gian từ tuần thứ 27 đến tuần thứ 36 của mỗi lần mang thai. Vậy là mỗi lần mang thai, bạn đều cần tiêm vắc xin Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván lại đấy!
Viêm gan B
Như đã đề cập ở phía trên, vắc xin viêm gan B có thể được tiêm cả trước và trong khi mang thai, nên nếu bạn chưa kịp tiêm trước khi mang thai, thì bạn hoàn toàn có thể tiêm trong khi đang mang thai nhé.
Trên đây là tất cả các loại vắc xin cần thiết để giúp bảo vệ sức khoẻ của bạn cũng như em bé trong suốt quá trình mang thai. Đừng quên tiêm phòng đầy đủ các bạn nhé!
Nguồn tham khảo:
https://apps.who.int/iris/rest/bitstreams/1339916/retrieve
https://www.who.int/publications/i/item/who-wer-8925-265-288
https://www.cdc.gov/vaccines/pregnancy/vacc-before.html
https://www.cdc.gov/vaccines/pregnancy/vacc-during-after.html
https://www.cdc.gov/vaccines/vpd/mmr/public/index.html
https://www.cdc.gov/vaccines/acip/committee/downloads/preg-principles-2008.pdf
https://moh.gov.vn/tin-lien-quan/-/asset_publisher/vjYyM7O9aWnX/content/tiem-vaccine-viem-gan-b-cho-phu-nu-co-thai-khi-nao-